Vốn điều lệ là gì? Doanh nghiệp có cần chứng minh vốn điều lệ trong tài khoản ngân hàng khi thành lập công ty hay không? Có bị cơ quan nào kiểm tra vốn điều lệ đăng ký hay không? Đăng ký vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu? Tối đa bao nhiêu…?. Luật Diên Hồng đã nhận được rất nhiều những thắc mắc của Quý khách hàng khi có ý định thành lập công ty như vậy xoay quanh vấn đề Vốn điều lệ. Bài viết này, Luật Diên Hồng sẽ cung cấp những kiến thức cần thiết giúp Quý khách hàng hiểu rõ được Vốn điều lệ là gì, để từ đó có được những thông tin hữu ích cho công việc, tránh các rủi ro pháp lý.
1/ Vốn điều lệ là gì?
Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ công ty.

2/ Tài sản góp vốn vào Công ty
Theo quy định tại Điểu 35 Luật doanh nghiệp 2014 thì:
– Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Tức là doanh nghiệp có thể góp vốn điều lệ bằng các tài sản như bất động sản, ô tô, quyền sử dụng cho thuê mặt bằng…, miễn sao có văn bản thỏa thuận đồng ý về giá trị tài sản của tất cả các thành viên góp vốn.
– Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.
Các quyền trên cần được định giá, hoặc thỏa thuận với các thành viên về giá trị tài sản đó, sau đó quy đổi giá trị ra tiền VNĐ và được ghi vào biên bản góp vốn tài sản của công ty.
3/ Pháp luật hiện hành không quy định công ty phải đăng ký vốn điều lệ tối thiểu và tối đa
Luật doanh nghiệp năm 2014 không quy định Công ty phải đăng ký vốn điều lệ tối thiểu và tối đa là bao nhiêu, mà để cho Công ty tự kê khai và tự chịu trách nhiệm với số vốn điều lệ kê khai đó, trừ trường hợp công ty kinh doanh những ngành nghề bắt buộc phải có vốn pháp định tối thiểu (Luật Diên Hồng sẽ đề cập ở phần dưới một số ngành nghề phổ biến yêu cầu vốn pháp định cho Quý khách hàng).
4/ Pháp luật hiện hành không yêu cầu chứng minh số vốn điều lệ đăng ký
Pháp luật hiện hành quy định rất mở cho doanh nghiệp về đăng ký Vốn điều lệ. Doanh nghiệp không cần chứng minh vốn điều lệ khi thành lập công ty/hoặc góp vốn vào công ty. Như vậy, doanh nghiệp hoàn toàn không cần phải làm thủ tục chứng minh vốn điều lệ trong tài khoản ngân hàng. Theo luật doanh nghiệp 2014 hiện hành thì thời hạn góp vốn điều lệ vào công ty là 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau ngày này nếu các thành viên không góp đủ thì sẽ phải điều chỉnh về số vốn thực tế đã góp.
Tuy nhiên, Quý khách cần cân nhắc để số vốn điều lệ thế nào cho hợp lý, phù hợp với quy mô hoạt động, ngành nghề kinh doanh, khả năng tài chính, khả năng huy động vốn góp vào Công ty khi thành lập.
Nếu Quý khách đăng ký số vốn điều lệ quá thấp thì doanh nghiệp không thể hiện được tiềm lực tài chính, quy mô hoạt động của công ty, và trong nhiều trường hợp khi ký kết hợp đồng với đối tác, chủ doanh nghiệp cần đưa ra hồ sơ pháp lý của công ty mình thì việc để số vốn điều lệ quá thấp lại không tạo ra sự tin tưởng với đối tác, thậm chí đối tác từ chối ký kết vì lý do ngầm này.
Còn nếu Quý khách đăng ký số vốn điều lệ quá cao, vượt ra ngoài khả năng thì có thể ngay trước mắt doanh nghiệp sẽ tạo được niềm tin cho đối tác, ngân hàng nhưng Công ty cũng có những rủi ro nhất định: Khi công ty làm ăn thất bại, gây nợ với khách hàng thì chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng đúng số vốn mình đăng ký.
Như vậy, Quý khách cần cân nhắc vấn đề này, căn cứ vào quy mô hoạt động, mục đích, đối tác khách hàng để đăng ký vốn điều lệ phù hợp, Quý khách không nên để một số vốn điều lệ quá cao, không sát với vốn thực góp, mà nên để số vốn điều lệ ban đầu khi thành lập Công ty ở mức độ gần sát với số vốn thực góp, sau khi ổn định hoạt động kinh doanh, nếu Quý khách cần tăng vốn điều lệ thì Quý khách thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ, thủ tục này sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn nhiều so với thủ tục giảm vốn điều lệ khi Quý khách đã đăng ký số vốn điều lệ quá cao.
Bên cạnh đó, việc đăng ký vốn điều lệ bao nhiêu còn liên quan trực tiếp đến việc đóng Thuế môn bài của Công ty. Cụ thể:
Vốn điều lệ đăng ký |
Số thuế môn bài phải đóng/năm |
Dưới 10 tỷ |
2.000.000 đồng/năm |
Từ 10 tỷ trở lên |
3.000.000 đồng/ năm |
Ngoài ra, Như đã đề cập ở trên, Vốn điều lệ theo pháp luật hiện hành không quy định tối thiểu và tối đa, tuy nhiên một số ngành nghề quy định vốn pháp định (tức số vốn điều lệ tối thiểu mà doanh nghiệp phải đáp ứng khi muốn kinh doanh ngành nghề đó). Luật Diên Hồng xin được cung cấp cho quý khách hàng các ngành nghề phổ biến yêu cầu vốn pháp định như sau:
STT |
Ngành nghề kinh doanh có điều kiện |
Mức vốn tối thiểu |
Căn cứ pháp lý |
1 |
Kinh doanh bất động sản |
20 tỷ đồng |
Nghị định 76/2015/NĐ-CP |
2 |
Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài |
5 tỷ đồng |
Nghị định 126/2007/NĐ-CP |
3 |
Cho thuê lại lao động |
2 tỷ đồng |
Nghị định 55/2013/NĐ-CP |
4 |
Kinh doanh dịch vụ kiểm toán |
6 tỷ đồng |
Nghị định 84/2016/NĐ-CP |
5 |
Kinh doanh dịch vụ môi giới chứng khoán |
25 tỷ đồng |
Khoản 2 Điều 5 Nghị định 86/2016/NĐ-CP, điểm a khoản 1 Điều 71 Nghị định 58/2012/NĐ-CP |
6 |
Sản xuất phim |
200 triệu đồng |
Nghị định 142/2018/NĐ-CP |
7 |
Bán lẻ theo phương thức đa cấp |
10 tỷ đồng |
|
8 |
Kinh doanh vận tải đa phương thức |
80.000 SDR (đơn vị tính toán do Quỹ tiền tệ quốc tế quy định) |
Nghị định 144/2018/NĐ-CP |
9 |
Cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng |
30 tỷ đồng |
Nghị định 57/2016/NĐ-CP |
10 |
Dịch vụ đòi nợ |
2 tỷ đồng |
Nghị định 104/2007/NĐ-CP |
11 |
Kinh doanh dịch vụ môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ |
5 tỷ đồng |
Nghị định 69/2016/NĐ-CP |
12 |
Kinh doanh hoạt động mua bán nợ |
100 tỷ đồng |
|
13 |
Ngân hàng thương mại |
3.000 tỷ đồng |
Nghị định 10/2011/NĐ-CP |
Ngân hàng liên danh |
|||
Ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài |
|||
Ngân hàng thương mại cổ phần |
|||
Ngân hàng đầu tư |
|||
Ngân hàng hợp tác |
|||
14 |
Ngân hàng phát triển |
5.000 tỷ đồng |
|
Ngân hàng chính sách |
|||
15 |
Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương |
3.000 tỷ đồng |
|
16 |
Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở |
0,1 tỷ đồng |
|
17 |
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài |
15 triệu USD |
|
18 |
Công ty tài chính |
500 tỷ đồng |
|
19 |
Công ty cho thuê tài chính |
150 tỷ đồng |
|
20 |
Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe |
600 tỷ đồng |
Điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP |
21 |
Kinh doanh bảo hiểm; bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí |
800 tỷ đồng |
Điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP |
22 |
Kinh doanh bảo hiểm; bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí |
1.000 tỷ đồng |
Điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP |
23 |
Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe |
300 tỷ đồng/ 200 tỷ đồng đối với chi nhánh nước ngoài |
Điểm a Khoản 1, Điểm a Khoản 3 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP |
24 |
Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh |
350 tỷ đồng/ 250 tỷ đồng đối với chi nhánh nước ngoài |
Điểm b Khoản 1, Điểm b Khoản 3 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP |
25 |
Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh |
400 tỷ đồng/ 300 tỷ đồng đối với chi nhánh nước ngoài |
Điểm c Khoản 1, Điểm c Khoản 3 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP |
Khi kinh doanh những ngành nghề này, Doanh nghiệp của Quý khách phải đảm bảo số vốn điều lệ như trên.
5/ Có cơ quan nào kiểm tra vốn điều lệ không?
Không có cơ quan nào kiểm tra vốn điều lệ của doanh nghiệp. Việc đăng ký vốn điều lệ và việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức vốn điều lệ là vấn đề nội bộ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần kinh doanh đúng luật và chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ mình đăng ký khi xảy ra các vấn đề liên quan đến giải thể, phá sản thì cần đảm bảo nghĩa vụ với người lao động, đối tác, chủ nợ..
6/ Ý nghĩa của vốn điều lệ công ty:
– Vốn điều lệ công ty cho biết đó là tổng mức vốn đầu tư đăng ký ban đầu của tất cả thành viên/ cổ đông vào công ty để dự tính hoạt động.
– Vốn điều lệ cho ta biết cơ sở phân chia lợi nhuận của các thành viên theo tỷ lệ % mức vốn mà thành viên đóng góp. Ví dụ: Thành lập công ty X có 2 thành viên A và B góp vốn. Vốn điều lệ công ty đăng ký là 1 tỷ, thành viên A góp 60% vốn điều lệ công ty tương đương 600 triệu, thành viên B góp 40% tương đương 400 triệu. Sau này khi công ty kinh doanh có lợi nhuận 100 triệu, nếu nội bộ không có thỏa thuận gì khác thì tỷ lệ phân chia lợi nhuận sẽ là thành viên A đươc 60% lợi nhuận tương đương 60 triệu, thành viên B được 40% lợi nhuận tương đương 40 triệu.
– Là sự cam kết mức trách nhiệm bằng vật chất của các thành viên với khách hàng, đối tác, cũng như đối với doanh nghiệp tương đương. Tương ứng với tỷ lệ % vốn mà thành viên đó góp vào công ty.
Từ việc cung cấp những quy định của pháp luật về Vốn điều lệ như trên, khi Quý khách đến với Luật Diên Hồng sẽ được chúng tôi tư vấn để số vốn điều lệ (trừ ngành nghề kinh doanh yêu cầu số vốn pháp định) bao nhiêu là hợp lý, phù hợp với mục đích kinh doanh, phù hợp với quy mô, khả năng tài chính, góp vốn khi thành lập Công ty. Chúng tôi sẽ giải đáp miễn phí tất cả mọi thắc mắc của Quý khách liên quan đến vấn đề Vốn điều lệ, cũng như các lĩnh vực khác liên quan mà quý khách yêu cầu.
Luật Diên Hồng luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ cho Quý khách hàng. Mọi khó khăn, thắc mắc Quý khách cần tư vấn, hỗ trợ, Quý khách vui lòng liên hệ hoặc gửi email cho chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất và kịp thời nhất.
Địa chỉ: Số 40/94 Ngọc Khánh, P. Giảng Võ, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội
Email: tuvanluatdienhong@gmail.com SĐT: 0374.249.194
LUẬT DIÊN HỒNG- ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP
Chúng tôi luôn đặt lợi ích quý khách hàng và chất lượng dịch vụ lên hàng đầu